Chính trị viên phó kiêm Chủ nhiệm Chính trị Ban CHQS thành phố Hòa Bình thông tin với chúng tôi: Đoàn công tác của Ban CHQS thành phố vừa đến thăm hỏi, tri ân cựu chiến binh Vũ Trọng Thuận, 65 năm tuổi Đảng, nguyên quân y sĩ tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ, nguyên cán bộ, sĩ quan Công an nhân dân vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng). Đặc biệt, ông là chiến sĩ giao liên nhỏ tuổi của Tự vệ thành Hà Nội, tham gia chiến đấu 60 ngày đêm bảo vệ Thủ đô Hà Nội sau Ngày Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946).

Chúng tôi đến thăm ông Vũ Trọng Thuận tại nhà riêng. Căn nhà khá rộng rãi, cây xanh rợp bóng mát dưới nắng hè. Ở tuổi 92, dáng người cao và mái tóc trắng cắt ngắn, ông Thuận đón chúng tôi từ cổng nhà. Được đồng chí Bùi Lương Huy, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Thống Nhất liên hệ trước nên ông đã pha trà sẵn tiếp chúng tôi. Khi tôi đề nghị ông kể về những năm tháng công tác, chiến đấu, nhất là những ngày Toàn quốc kháng chiến ở Hà Nội, ông trầm ngâm một lát rồi kể chuyện với giọng sôi nổi:

“Tôi sinh ra ở phố Hàng Bạc (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Bố tôi là cụ Vũ Cao Mài (hiệu là Thiện Mỹ) dạy chữ Nho ở Trường tư thục phố Hàng Mắm. Vì thế, từ lúc 7 tuổi, tôi được bố mẹ cho ăn học ở Trường Ke (nay là Trường Tiểu học Trần Nhật Duật). Năm 13 tuổi, tôi cùng với các thầy, cô giáo và các bạn sôi nổi tham gia tuần hành, mít tinh ủng hộ Việt Minh và mừng thành công Cách mạng Tháng Tám, Quốc khánh 2-9-1945. Ngày ấy, tôi chưa biết hết ý nghĩa về độc lập dân tộc, nhưng học hát, rồi hát theo và hát say sưa những ca khúc của các cô chú và các anh chị, như: “Lên đàng”, “Tiếng gọi thanh niên” (Lưu Hữu Phước), “Tiến quân ca”, “Chiến sĩ Việt Nam” (Văn Cao), “Diệt phát xít” (Nguyễn Đình Thi)... Sau ngày Quốc khánh, chúng tôi vẫn được đến trường học và được học các bài hát: “Bé yêu Bác Hồ” (Đỗ Nhuận), “Trên sông Bạch Đằng”, “Bóng cờ lau” (Hoàng Quý)... để vui Trung thu. Tôi còn nhớ ngày khai giảng đầu tiên sau khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời, chúng tôi được nghe Thư của Hồ Chủ tịch gửi các cháu học sinh...

leftcenterrightdel

 Ông Vũ Trọng Thuận.

Tôi tham gia hoạt động tích cực trong phong trào thiếu niên cứu quốc ở trường và khu phố. Rồi tôi theo các anh chị tham gia lực lượng Tự vệ thành Hà Nội, làm giao liên đưa thư, công văn, truyền đạt thông tin, các mệnh lệnh, chỉ đạo của trên cho các đội tự vệ và các đội, chi đội, đại đội, tiểu đoàn Vệ quốc đoàn trên địa bàn Hà Nội. Tôi nhỏ tuổi nhưng nhanh nhẹn, tháo vát, biết nhiều đường ngang ngõ tắt ở phố phường Hà Nội nên các anh chị giao thư, công văn, truyền đạt thông tin cho tôi đều yên tâm và tôi hoàn thành nhiệm vụ nhanh chóng. Ngày 19-12-1946, Bác Hồ ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, tôi không đi học nữa mà chuyển hẳn vào làm liên lạc ở Chiến khu 11 (Mặt trận Hà Nội). Tôi nhận lệnh, công văn, thư từ từ Sở chỉ huy Chiến khu 11, nhiều lần do đồng chí Vương Thừa Vũ, Tư lệnh Mặt trận Hà Nội trực tiếp giao nhiệm vụ, đưa đến các Liên khu 1, Liên khu 2 Hà Nội, các mặt trận chiến đấu ở Hàng Dầu, Hàng Than, Đồng Xuân... Tôi được cấp một chiếc mũ sắt và túi vải để đựng công văn, giấy tờ. Chiến sự ở nội thành Hà Nội rất ác liệt. Tôi không đi trên những phố chính mà luồn lách trong các ngõ, chui qua những lỗ tường nhà đã được các chiến sĩ Vệ quốc đoàn, tự vệ đục thông sang nhau. 60 ngày đêm chiến đấu ở Hà Nội, tôi làm tròn nhiệm vụ liên lạc, được đồng chí Vương Thừa Vũ khen ngợi”.

“Vậy khi thành lập Trung đoàn Thủ đô (nay là Trung đoàn Bộ binh cơ giới 102, Sư đoàn Bộ binh cơ giới 308, Quân đoàn 12) và lực lượng ta rút khỏi Hà Nội lên Chiến khu Việt Bắc, ông đi theo đội hình Trung đoàn?”, tôi hỏi ông Thuận.

Ông Thuận trả lời: “Tôi không được đi theo bộ đội Trung đoàn Thủ đô. Đồng chí Vương Thừa Vũ bảo tôi phải đi tản cư cùng với bố. Nhưng tôi kiên quyết xin đi theo bộ đội. Trước sự quyết tâm của tôi, đồng chí Vương Thừa Vũ giao ước với tôi đưa bố đến nơi tản cư an toàn thì tôi... mới được vào bộ đội. Để cam kết, đồng chí Vương Thừa Vũ lấy tờ giấy nhỏ, ghi trên đó giới thiệu tôi là đội viên liên lạc Mặt trận Hà Nội, đề nghị đơn vị bộ đội tiếp nhận khi có ý kiến của gia đình. Rồi đồng chí Vương Thừa Vũ dỗ dành tôi, còn cho tôi 1 hào. Lâu rồi tôi không nhớ rõ toàn bộ nội dung bức thư của đồng chí Vương Thừa Vũ và không còn giữ được bức thư ấy nữa.

Tôi cùng bố và gia đình tản cư lên vùng Ấm Thượng (nay là thị trấn Hạ Hòa, huyện Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ). Khi ổn định, bố tôi ở Ấm Thượng, tham gia công tác địa phương và bốc thuốc chữa bệnh cho người dân trong vùng. Bố đồng ý cho tôi đi theo bộ đội, đã ký ở dưới lá thư của đồng chí Vương Thừa Vũ. Cầm lá thư của đồng chí Vương Thừa Vũ, tôi-cậu bé 15 tuổi một mình len lỏi đường rừng, vượt núi tìm về Chiến khu Việt Bắc. Tôi hỏi thăm và được đưa về một đơn vị Vệ quốc đoàn, đồng chí chỉ huy đơn vị đọc thư của đồng chí Vương Thừa Vũ, liền giao tôi về Trường Thiếu sinh quân Việt Bắc (năm 1949 sáp nhập vào Trường Thiếu sinh quân Việt Nam). Học ở trường đến năm 1949, tôi được tuyển sinh vào học khóa 2, Trường Quân y sĩ Việt Nam (Học viện Quân y ngày nay).

leftcenterrightdel

Ông Vũ Trọng Thuận (thứ hai, từ trái sang) trò chuyện với các cán bộ địa phương đến thăm. Ảnh: XUÂN THU 

Cuối năm 1953, nhà trường tổ chức lễ bế giảng khóa 2 và các học viên tốt nghiệp được điều động đi phục vụ Chiến dịch Trần Đình (Chiến dịch Điện Biên Phủ). Tôi được biên chế về Đội phẫu thuật tiền phương (Đội 3) Cục Quân y. Chúng tôi hành quân bộ từ thị xã Tuyên Quang (nay là thành phố Tuyên Quang) qua Đoan Hùng (Phú Thọ), Yên Bình, Nghĩa Lộ (Yên Bái), qua bến Âu Lâu rồi sang Mường La, Thuận Châu (Sơn La)... Chúng tôi được liên lạc dẫn đường vượt đèo Pha Đin, qua Tuần Giáo, đến Mường Phăng vào phục vụ Sở chỉ huy. Đội 3 của chúng tôi phục vụ các cơ quan Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng. Nhiều lần Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí trong Bộ chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ đến thăm, động viên thương binh và chúng tôi làm nhiệm vụ. Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi được cử tham gia bảo đảm y tế cho các đợt trao trả tù binh giữa ta và Pháp. Là quân y sĩ, tôi luôn hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ, được tặng Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ và Huân chương Chiến thắng hạng Ba”.

 Sau khi Hiệp định Geneva được ký kết (năm 1954), Bộ Quốc phòng thành lập Trung đoàn 152 bảo vệ biên giới, tiễu phỉ ở vùng Tây Bắc. Ông Vũ Trọng Thuận được điều động làm Trưởng ban Quân y (Chủ nhiệm Quân y) Trung đoàn 152. Trung đoàn bộ đứng chân tại thị xã Sơn La (nay là thành phố Sơn La). Năm 1958, là Trưởng ban Quân y, trình độ quân y sĩ, ông Thuận được phong quân hàm Thiếu úy. Năm 1959, ông Thuận trong đội hình Trung đoàn 152 được điều động sang lực lượng Công an nhân dân vũ trang mới thành lập và đổi phiên hiệu thành Khu Công an nhân dân vũ trang Tây Bắc. “Tôi tiếp tục làm công tác quân y của Khu đến năm 1963, sau khi tái lập tỉnh Sơn La thuộc Khu tự trị Tây Bắc, tôi được bổ nhiệm Trưởng ban Quân y Công an nhân dân vũ trang tỉnh Sơn La. Năm 1968, tôi được tăng cường cho Quân y Khu Công an nhân dân vũ trang Vĩnh Linh. Cuối năm 1975, tôi được điều động trở lại miền Bắc về công tác tại Công an nhân dân vũ trang tỉnh Sơn La. Lúc này, vợ tôi công tác ở tỉnh Hòa Bình, nên theo nguyện vọng của tôi muốn hợp lý hóa gia đình, tôi được trên điều động về công tác tại Công an nhân dân vũ trang tỉnh Hòa Bình. Năm 1976, theo chủ trương giải thể lực lượng Công an nhân dân vũ trang các tỉnh nội địa, không có biên giới, tôi được nghỉ hưu với quân hàm Trung úy. Về địa phương, tôi tham gia công tác trong ngành y tế, làm Trạm trưởng Trạm Y tế phường Chăm Mát, thị xã Hòa Bình (nay là thành phố Hòa Bình) hơn 10 năm thì đi làm bảo vệ trường cấp 3 vừa làm, vừa học tại thị xã Hòa Bình cho đến năm 2005. Tôi đã trực tiếp đỡ đẻ cho hơn 100 trẻ sơ sinh và xử lý nhiều ca đẻ khó khi công tác ở Trạm Y tế phường. Đến nay, nhiều cháu trưởng thành vẫn thường đến thăm hỏi, tri ân, đó cũng là niềm vui của tôi...”, ông Thuận tâm sự. 

XUÂN GIANG