“Cọp trắng” Đường số 4
Trung tướng Đàm Văn Ngụy kể với tôi rằng, ông sinh năm 1927 ở xã Xuất Tính (nay là xã Minh Khai), huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng. Ông tham gia cách mạng khi mới 15 tuổi. Ban đầu là liên lạc cho cán bộ Việt Minh hoạt động bí mật ở huyện Thạch An. Đến tháng 1-1945, ông gia nhập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân. Sau một số trận trực tiếp chiến đấu, đến tháng 6-1945, ông được giao nhiệm vụ làm tiểu đội phó, rồi tiểu đội trưởng.  

Khi Trung đoàn 174 (còn gọi là Trung đoàn Cao-Bắc-Lạng) được thành lập, ông Đàm Văn Ngụy được điều động làm cán bộ trung đội thuộc Tiểu đoàn 249 của trung đoàn, dưới sự chỉ huy của “Hùm xám Đường số 4” Đặng Văn Việt. Vốn là người gắn bó với rừng núi, ông đã đề xuất cấp trên, đưa ra chiến thuật đánh du kích trên địa bàn xung yếu gây tổn thất nặng nề và làm thất bại âm mưu chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của quân Pháp. Ông thường xuyên cải trang thành người dân địa phương, trực tiếp trinh sát địa hình rồi vừa là người chỉ huy, vừa là người xung phong đầu tiên trong những trận phục kích trên Đường số 4 trong suốt những năm 1947-1950. Với cách đánh đặc biệt “như hổ vồ”, Trung đội trưởng Đàm Văn Ngụy được quân viễn chinh Pháp đặt cho cái tên là “Cọp trắng Đông Bắc”.

Sau hơn nửa thế kỷ, một số người dân ở Lạng Sơn, Cao Bằng vẫn còn nhớ về “hai con hổ” là “Hùm xám Đường số 4” và “Cọp trắng Đông Bắc”. Quân Pháp đang hung hăng đi cướp bóc, quấy phá dân, chỉ cần nghe có quân của “Cọp trắng Đông Bắc” hoặc “Hùm xám Đường số 4” là vội vàng rút chạy về đồn.

Trung tướng Đàm Văn Ngụy không nhớ hết mình đã tham gia bao nhiêu trận đánh trên Đường số 4, ông chỉ nhớ tới những trận tiêu biểu, trong đó có trận vào tháng 4-1947, đơn vị ông phục kích đánh đoàn xe quân sự Pháp ở Bó Củng, tiêu diệt nhiều xe cơ giới và thiết giáp của giặc Pháp. Trận phục kích vào tháng 8-1949, ông dẫn trung đội xung phong đánh vào giữa đoàn xe quân sự Pháp ở Lũng Vài, chia cắt đội hình, gây rối loạn, tạo điều kiện cho đơn vị tiến công diệt nhiều xe và lính Âu Phi.

Nỗi sợ “Cọp trắng Đông Bắc” lan rộng tới cả vùng Tây Bắc, khi đơn vị của ông tham gia tiễu phỉ ở biên giới Việt-Lào những năm 1953-1954. Với tài luồn rừng, bí mật, bất ngờ, ông đã nhiều lần vào tận hang ổ của phỉ, thuyết phục chúng đầu hàng.

leftcenterrightdel
 

Trung tướng Đàm Văn Ngụy (thứ hai, từ trái sang) trong một lần đến thăm Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh tư liệu

Đối đầu với lữ đoàn “bất khả chiến bại” của Mỹ

 Tháng 4-1967, Trung đoàn trưởng Đàm Văn Ngụy dẫn đầu Trung đoàn 174 vượt Trường Sơn vào miền Nam, bổ sung cho Mặt trận Tây Nguyên. Tại đây, vào tháng 11-1967, ông chỉ huy đơn vị đánh một trận “kinh thiên động địa” với lữ đoàn dù 173 của Mỹ trên đồi 875 trong Chiến dịch Đăk Tô-Tân Cảnh.

Khi Đảng ủy, Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên quyết định mở Chiến dịch Đăk Tô-Tân Cảnh, Trung đoàn 174 được giao đánh trận quyết định của chiến dịch. Chiến dịch Đăk Tô-Tân Cảnh bắt đầu từ ngày 3-11-1967, khi quân đội Mỹ đổ một tiểu đoàn xuống dãy Ngọc Bơ Biêng, nhưng bị Quân Giải phóng đánh lui, buộc địch phải điều động lữ đoàn dù 173 lên Đăk Tô để tăng cường sức chiến đấu. Nắm được ý định này, Trung đoàn 174 dưới sự chỉ huy của Trung đoàn trưởng Đàm Văn Ngụy đã sử dụng lực lượng tại các chốt phục kích, vây ép, kết hợp pháo kích, buộc lữ đoàn dù 173 của địch phải triển khai lực lượng ở thế bất lợi; từ đó, nhanh chóng chuyển hóa thế trận từ phục kích sang vận động tiến công địch vào khu vực điểm cao 875. Sau khi đánh địch đổ bộ đường không, thực hiện ý định chiến thuật, Trung đoàn 174 bỏ điểm cao 882, chuyển Tiểu đoàn 3 và một phần Tiểu đoàn 1 về điểm cao 875, hình thành thế trận phòng ngự “chân kiềng” sẵn sàng đánh địch tại khu vực này.

Đúng như Trung đoàn trưởng Đàm Văn Ngụy dự đoán, ngày 18-11-1967, một tiểu đoàn của lữ đoàn dù 173 mò lên điểm cao 875 đã đụng độ với bộ phận chốt của Trung đoàn 174 và bị thương vong khoảng 90 tên, buộc phải lui về chỗ cũ.

Ngày 19 và 20-11, Mỹ tập trung bom, pháo bắn phá dữ dội vào điểm cao 875. Sau mỗi đợt hỏa lực chuẩn bị, bộ binh Mỹ xông lên, nhưng đều bị Trung đoàn 174 đánh dạt xuống. Đến chiều 20-11, tiểu đoàn 2 của lữ đoàn dù 173 dốc toàn bộ lực lượng mở một cuộc tấn công lên. Nhưng lần này chúng bị hai tiểu đoàn của Trung đoàn 174 đánh tạt sườn. Sau 3 giờ giao tranh quyết liệt, tiểu đoàn 2 của địch gần như bị xóa sổ. Như con bạc khát nước, Mỹ tiếp tục đổ thêm quân xuống điểm cao 875. Chỉ chờ có vậy, Trung đoàn trưởng Đàm Văn Ngụy lệnh cho các đơn vị dùng hỏa lực khống chế các bãi đổ bộ, tiêu diệt địch trong quá trình đổ bộ đường không. Chiều 20-11, Mỹ, ngụy đã mất đến 8 chiếc máy bay trực thăng chở quân và hàng trăm tên bị tiêu diệt.  

Trong cả ngày 21-11, Mỹ pháo kích dữ dội vào điểm cao 875. Chiều tối, Mỹ xua quân đánh lên chốt và chiếm được một đoạn chiến hào. Hai bên đánh giáp lá cà quyết liệt suốt nhiều giờ. Đến sáng sớm ngày 22, Trung đoàn trưởng Đàm Văn Ngụy ra lệnh phản kích, dùng lựu đạn và tiểu liên đẩy lui lính Mỹ, giành lại đoạn chiến hào.

Vài ngày sau khi chiến dịch kết thúc, đài BBC của Anh bình luận: “Lữ đoàn dù 173 Hoa Kỳ là đơn vị sừng sỏ chưa từng biết thua trận, lần đầu tiên đã tháo chạy trước Việt Cộng”. Những binh lính của lữ đoàn dù 173 còn sống sót đã trả lời báo chí: “Họ đánh tạt sườn và giỏi không chịu được”.

Đòn quyết định trong Chiến dịch Tây Nguyên

 Tháng 7-1973, Trung tá Đàm Văn Ngụy trở lại hậu phương miền Bắc, được bổ nhiệm giữ chức Tư lệnh Sư đoàn 316. Vào thời điểm đó, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn quyết định. Sư đoàn 316 được giao nhiệm vụ đặc biệt là huấn luyện sát với địa hình miền Nam để sẵn sàng tạo ra những đòn quyết định, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ngày 9-1-1975, Tư lệnh Đàm Văn Ngụy chỉ huy Sư đoàn 316 hành quân bằng xe cơ giới vào chiến trường miền Nam. Ngày 3-2-1975, sư đoàn tới Đăk Đam (Tây Nguyên) đáp ứng yêu cầu của Bộ Quốc phòng giao lúc đó là: Đi nhanh, đến gọn, đủ, an toàn và bí mật.

Sau khi nghiên cứu chiến trường, Bộ tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên quyết định sử dụng Sư đoàn 316 làm lực lượng đột kích chủ yếu vào thị xã Buôn Ma Thuột, mà trọng điểm là sở chỉ huy sư đoàn 23 ngụy.  

Ngày 5-3-1975, Sư đoàn 316 triển khai lực lượng tiến công Buôn Ma Thuột. Ngay đêm ấy, từ hướng nam, Thượng tá Đàm Văn Ngụy cùng Trung đoàn 148 và các đơn vị tăng cường vượt Đường số 14. Ngày 6-3, đơn vị vượt sông Xê Băng Hiêng, luồn rừng, vòng xuống vùng ngoại vi phía nam thị xã, bí mật lách qua các đồn bảo an, dân vệ.  

Đúng 1 giờ 30 phút ngày 10-3, đặc công ta bắt đầu nổ súng mở đầu cuộc tiến công đánh chiếm sân bay Hòa Bình, kho Mai Hắc Đế-Buôn Ma Thuột. Ngay sau đó, hỏa lực của ta trút đạn vào các mục tiêu trong thị xã. Đến 4 giờ 30 phút, ta đã làm chủ được khu nam và tây nam sân bay. Đến hết ngày 10-3, cả 4 hướng đánh vào Buôn Ma Thuột đều giành thắng lợi, ta đã chiếm được nhiều vị trí, còn khu sân bay Hòa Bình, sở chỉ huy sư đoàn 23 ngụy, ta chưa tiến công được. 

5 giờ 30 phút ngày 11-3, cuộc tiến công mới của ta bắt đầu. Sư đoàn 316 tiếp tục tổ chức bao vây, đột phá vào sở chỉ huy địch. Sau khi hỏa lực pháo binh bắn vào các mục tiêu đã định, 6 giờ 30 phút, bộ binh ta trên các mũi bắt đầu tiến công.

Trung đoàn 174 hình thành 3 mũi. Một mũi do Tiểu đoàn 3 có xe tăng đi cùng phối hợp với Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 24. Một mũi do Đại đội 11, Tiểu đoàn 3 được tách ra từ đầu thực hiện. Một mũi do Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 174 có xe tăng chi viện đánh từ hướng tây nam vào. Trung đoàn 148 hình thành hai mũi: Tiểu đoàn 7 đánh từ phía nam lên, Tiểu đoàn 8 từ tiểu khu Đắc Lắc đánh thọc sang sở chỉ huy.

Các mũi của ta đồng loạt tiến công và liên tiếp giành thắng lợi. Mũi Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 148 sau khi đánh chiếm một loạt vị trí, đã tiến công vào khu tham mưu, diệt tại chỗ 269 tên địch, bắt 19 tên rồi tiến vào khu trung tâm sở chỉ huy sư đoàn 23 ngụy lúc 10 giờ 30 phút. Thị xã Buôn Ma Thuột hoàn toàn giải phóng. Nhiệm vụ đánh trận then chốt trong Chiến dịch Tây Nguyên của Sư đoàn 316 dưới sự chỉ huy của “Cọp trắng” Đàm Văn Ngụy đã hoàn thành.

ĐỖ PHÚ THỌ