Khi chúng tôi cùng đoàn công tác của Công ty Tuyển than Hòn Gai đến thăm bà Hoàng Thị Mát, vợ của anh hùng liệt sĩ Đặng Bá Hát, tại ngôi nhà tình nghĩa ở số 126, tổ 12, khu 2A, đường Cao Thắng, phường Cao Thắng, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh, thì ông Vũ Trọng Hiếu đã có mặt ở đó. Ông Hiếu kể:

“Tôi nguyên là công nhân Xí nghiệp Bến Hòn Gai. Năm 1968, Đại đội tự vệ 34 pháo phòng không 37mm được thành lập, có nhiệm vụ bảo vệ bến phà Bãi Cháy và vùng mỏ Quảng Ninh. Đồng chí Đặng Bá Hát, tự vệ Xí nghiệp Bến Hòn Gai được phân công làm Đại đội trưởng.

Đồng chí Đặng Bá Hát quê ở thôn Đồng Tái, xã Thống Kênh, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương. Năm 1960, sau khi phục viên, rời quân đội, anh vào làm công nhân lái máy xúc ở Xí nghiệp Bến Hòn Gai. Năm 1962, anh xây dựng gia đình với chị Hoàng Thị Mát là công nhân cùng xí nghiệp. Năm 1963, hai người sinh con gái đầu lòng, đặt tên là Đặng Thị Mai. Là bộ đội phục viên nên Đặng Bá Hát được lựa chọn vào lực lượng tự vệ của xí nghiệp, tham gia chiến đấu chống cuộc tập kích của không quân Mỹ vào vùng mỏ ngày 5-8-1964, góp phần vào thắng lợi trận đầu đánh Mỹ của quân và dân miền Bắc.

leftcenterrightdel
Anh hùng liệt sĩ Đặng Bá Hát. 

Năm 1969, sau khi hoàn thành khóa huấn luyện pháo thủ pháo phòng không 37mm do Quân khu Tả Ngạn tổ chức, tôi được điều về công tác ở Đại đội 34 pháo phòng không 37mm của tự vệ Xí nghiệp Bến Hòn Gai. Đại đội trực chiến 24/24 giờ, quân số chia nhau canh trực. Đại đội trưởng Đặng Bá Hát là người chỉ huy nghiêm khắc nhưng rất gần gũi, chia sẻ khó khăn với đồng đội. Tôi nhớ, đại đội pháo phòng không chúng tôi trực chiến trên đồi cao, gần đó là trận địa súng máy 14,5mm, có nhiều tự vệ nữ cùng trực. Tôi còn trẻ, chưa lập gia đình, trên đường vào ca trực, tôi có trêu các cô nữ tự vệ. Đại đội trưởng Hát bắt gặp, phê bình tôi và yêu cầu phải canh trực nghiêm túc. Chúng tôi sinh hoạt ở trận địa trên đồi cao 102m so với mực nước biển. Đơn vị hết nước sinh hoạt, anh Hát giành phần đi gánh nước lên cho anh em. Ban ngày, anh Hát chỉ huy canh trực, đại đội vào cấp 1, tối đến về cấp 2, anh em nghỉ ngơi. Song anh Hát thường đi ngủ muộn. Anh vào rừng chặt cành cây về để ngụy trang trận địa pháo, vì ban ngày nắng nóng làm cành lá ngụy trang cũ khô héo. Anh luôn giành việc khó, việc nặng về mình.

Ngày 10-5-1972, máy bay Mỹ đánh phá bến phà Bãi Cháy. Khi vào chiến đấu, tôi chưa có kinh nghiệm nhiều, anh Hát vừa chỉ huy vừa động viên. Tôi trấn tĩnh lại và bình tĩnh nhấn cò, những loạt đạn căng nối nhau hướng về phía máy bay địch khiến chúng không dám sà xuống thấp, vội vã cắt bom rồi tháo chạy. Khi đại đội về cấp 2, anh Hát kiểm tra trận địa và động viên từng người.

Ngày 12-7-1972, Đại đội trưởng Đặng Bá Hát chỉ huy đại đội trực chiến. Khoảng 16 giờ, không quân Mỹ sử dụng biên đội 8 chiếc máy bay đánh phá vùng mỏ Quảng Ninh, tập trung ở khu vực bến phà Bãi Cháy. Đại đội trưởng Đặng Bá Hát bình tĩnh chỉ huy các khẩu đội pháo phòng không đánh trả máy bay địch. Bất ngờ, hai chiếc máy bay vòng lại, tập kích từ phía sau trận địa, chúng ném nhiều bom phá, bom bi vào trận địa pháo. 26 người trong khu vực trận địa bị trúng mảnh bom, 5 người hy sinh. Đại đội trưởng Đặng Bá Hát trúng đạn hy sinh khi tay vẫn cầm cờ lệnh chỉ huy chiến đấu...” ông Hiếu xúc động kể lại.

leftcenterrightdel

Cựu chiến binh Vũ Trọng Hiếu nói chuyện truyền thống với Đại đội 34 pháo phòng không Đặng Bá Hát. Ảnh: ĐÌNH ĐỨC 

Trong trận chiến đấu ác liệt với máy bay Mỹ, Đại đội 34 pháo phòng không 37mm do Đặng Bá Hát chỉ huy bị tổn thất nặng nề, song với tinh thần chiến đấu quả cảm, cán bộ, chiến sĩ Đại đội 34 pháo phòng không 37mm tự vệ Xí nghiệp Bến Hòn Gai đã góp phần bắn rơi máy bay địch, bảo vệ bến phà và vùng mỏ, bảo đảm giao thông thông suốt. Từ tháng 5-1972 đến tháng 10-1972, Đại đội 34 đã đánh 37 trận, bắn rơi 1 máy bay F-4 và 1 máy bay F-8; tháo gỡ, phá hủy hàng trăm quả bom của địch. Năm 1973, Đại đội 34 pháo phòng không 37mm vinh dự được Chủ tịch Tôn Đức Thắng tặng lẵng hoa và đổi tên thành Đại đội Đặng Bá Hát. Ngày 30-8-1995, Chủ tịch nước ký quyết định truy tặng Đại đội trưởng Đặng Bá Hát danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân vì thành tích đặc biệt xuất sắc trong chỉ huy và chiến đấu.

Phát huy truyền thống anh hùng và thành tích đạt được trong chiến đấu, Đại đội 34 pháo phòng không 37mm mang tên Đặng Bá Hát, ngày nay thuộc Công ty Tuyển than Hòn Gai, không ngừng nỗ lực phấn đấu, huấn luyện nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu, tham gia bảo vệ vùng trời vùng mỏ Quảng Ninh. Trận địa pháo phòng không 37mm của Đại đội pháo phòng không Đặng Bá Hát đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1997. Tên anh hùng liệt sĩ Đặng Bá Hát được đặt cho một con đường ở TP Hạ Long (Quảng Ninh)...

DƯƠNG HÀ