Ký ức một thời
Anh hùng Nguyễn Văn Tàu sinh ngày 30-10-1928 tại Bà Rịa-Vũng Tàu. Năm 1945, ông tham gia Phong trào Thanh niên Tiền phong. Năm 1946, ông cưới bà Trần Ngọc Ánh (Hai Ánh) là người cùng quê. Năm 1947, ông theo Việt Minh kháng chiến, làm chiến sĩ quân báo; đến năm 1954 thì tập kết ra Bắc. Năm 1961, ông trở về miền Nam chiến đấu và tham gia Cụm tình báo A18 (tiền thân của Cụm tình báo H63). “Tôi vẫn nói với anh em: Vô đơn vị này, phải khắc sâu trong ngực 4 chữ “Coi như chết rồi” thì không còn sợ gì nữa”. Đó là tâm niệm của Đại tá Nguyễn Văn Tàu trong suốt những tháng năm chỉ huy cụm tình báo đặc biệt này.
Khi vào nội thành hoạt động, Cụm trưởng Tư Cang cùng đồng đội bàn kế hoạch chui sâu vào cơ quan tối mật của địch để thu thập tin tức, tài liệu. Thành viên của cụm được phân công những “vai” khác nhau để thực hiện nhiệm vụ, như: Phạm Xuân Ẩn (bí danh X6, Hai Trung)-phóng viên Tạp chí Time; Nguyễn Thị Mỹ Nhung (bí danh Nguyễn Thị Yên Thảo, Tám Thảo-giao thông viên nội đô) làm việc trong văn phòng cố vấn Mỹ tại Bộ tư lệnh Hải quân ngụy...
Kể về lý lịch của mình được ghi trong tài liệu của chính quyền ngụy, ông Tư Cang nói: “Trưa muộn ngày 30-4-1975, tôi cùng các chiến sĩ Lữ đoàn Đặc công biệt động 316 ghé lại Bộ Tổng Tham mưu ngụy. Trên chiếc bảng đen trong phòng làm việc của chúng có ghi lý lịch trích ngang của một số cán bộ tình báo ta. Tôi tìm thấy tên của mình ở đó, ghi ngắn gọn: Tư Cang, Phó chính ủy Phòng Tình báo Miền. Người trắng, cao, bắn súng hai tay rất giỏi, yêu thích văn nghệ. Quê quán: Chưa rõ. Vợ con: Không nắm được”.
Nói về ông Tư Cang, nhiều người biết ông là một nhà tình báo xuất sắc, Cụm trưởng Cụm tình báo H63 anh hùng hơn 10 năm bám trụ Địa đạo Củ Chi. Ông còn là Chính ủy Lữ đoàn Đặc công biệt động 316. Lữ đoàn của ông nhận nhiệm vụ chiếm giữ cầu Rạch Chiếc để cho đại quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn ngày 30-4-1975. Trong trận chiến đó, hơn 200 chiến sĩ của Lữ đoàn 316 đã đương đầu với hàng nghìn lính ngụy được trang bị vũ khí hiện đại. Dưới sông, tàu chiến địch bắn vào, trên bờ thì trọng pháo, đại liên nhả đạn đỏ nòng, nhưng những chiến sĩ đặc công biệt động vẫn quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ. 52 người đã vĩnh viễn nằm lại dưới lòng sông. Đồng đội của ông đã anh dũng hy sinh khi chỉ còn ít giờ nữa là đất nước toàn thắng.
Sau ngày đất nước thống nhất, ông Tư Cang tiếp tục tham gia làm nhiệm vụ tại biên giới Tây Nam và lại bị thương. Cùng với vết thương thời chống Pháp, chống Mỹ trước đó, ông được xếp hạng thương binh 2/4, mất sức 61%. Ông về hưu năm 1980, sống với gia đình ở quận Bình Thạnh.
Ông Tư Cang kể: “Khi nằm điều trị ở Bệnh viện Thống Nhất, tôi có thời gian ôn lại cuộc đời chiến đấu, nhớ đồng đội đã hy sinh, nhớ những người dân không ngại gian khổ, dù bị tù đày, tra tấn vẫn hết sức che giấu, bao bọc mình. Tôi cảm thấy mắc một món nợ phải trả đối với nhân dân, đồng đội...”.
Đó là một trong những lý do ông dành thời gian để viết nhiều cuốn sách như: “Sài Gòn Xuân Mậu Thân 1968”; “Nước mắt ngày gặp mặt”; “Trái tim người lính”; “Hoàng hôn trên chiến trường”; “Bến Dược vùng đất lửa”... Cắt nghĩa việc viết sách, ông nói: “Tôi phải viết về những tấm gương hy sinh anh dũng của nhân dân, của những đồng đội đã lao mình vào cuộc chiến một cách thanh thản. Tôi ghi lại thật trung thực các sự kiện và những con người từng chung chiến tuyến ấy với mong muốn góp phần giáo dục truyền thống cho lớp trẻ”.
    |
 |
Anh hùng Tư Cang (ngồi bên phải) cùng thầy và trò Trường THPT chuyên Phan Bội Châu (Nghệ An) tại nhà riêng, tháng 6-2023. |
Gác niềm riêng vì nhiệm vụ
Nhắc tới hạnh phúc riêng của mình, ông Tư Cang không nén nổi bùi ngùi. Tham gia kháng chiến, ông cũng như nhiều nhà tình báo khác phải gác lại niềm hạnh phúc riêng được sum vầy bên gia đình, vợ con để an toàn hoạt động. Với ông là 28 năm chia xa...
Nhớ ngày chia tay, bà Hai Ánh đang mang thai con đầu lòng. Ông đã gạt nước mắt trên má người vợ trẻ và động viên: “Thôi, tình hình này em lên Sài Gòn kiếm kế sinh nhai và sanh con, để anh theo cách mạng, hẹn ngày chiến thắng”. Dù làm chiến sĩ quân báo tại quê nhà Bà Rịa-Vũng Tàu từ năm 1947 đến 1954, nhưng ngày vợ sinh nở ông cũng không có mặt. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc mà không gặp được vợ con để chia tay. Bà chỉ kịp gửi cho ông lá thư viết vội kèm tấm hình của hai mẹ con và cái áo len với lời nhắn nhủ: “Ra Bắc lạnh lắm, anh nhớ giữ gìn sức khỏe để trở về với mẹ con em”.
Cứ thế, Nguyễn Văn Tàu sống trong cảnh ngày Bắc, đêm Nam, mơ được trở về miền Nam chiến đấu, được gặp lại vợ và con gái yêu thương. Cuối năm 1961, ông khoác ba lô lên đường trở vào Nam và đến tháng 5-1962, ông được cấp trên phân công làm Cụm trưởng Cụm tình báo H63.
Sống và hoạt động ngay giữa lòng thành phố Sài Gòn để chỉ huy mạng lưới H63, nhưng ông chưa một lần ghé qua nhà thăm vợ con. Bà cũng là đầu mối giao liên chuyển tin tức cho ông, nhưng vợ chồng lại phải coi nhau như người xa lạ. Hồi đó, ở trong thành, có dạo ông Tư Cang ở cùng nhà với cô Tám Thảo, vợ ông cũng thường xuyên tới đây để chuyển tài liệu. Ông không hé răng nói nửa lời với Tám Thảo rằng người phụ nữ hay búi tóc thường đến liên lạc là vợ của ông. Cho tới khi buộc phải vào căn cứ trước nguy cơ bị lộ, cô Tám Thảo mới được biết điều này. Lần duy nhất ông và vợ được tổ chức bố trí gặp nhau ở chiến khu vài giờ rồi chia tay để ông đi làm nhiệm vụ là vào cuối năm 1973. Ông lại gạt nước mắt cho bà. Họ động viên nhau vững tin ở ngày chiến thắng sẽ không còn xa nữa.
Trưa 30-4-1975, Sài Gòn giải phóng. Sau nghe tin tuyên bố đầu hàng của Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh, vợ con ông đã chạy ra đường gặp các chiến sĩ Quân Giải phóng để hỏi thăm tin tức về ông, nhưng không ai hay biết. Trong ánh đèn mờ của đêm muộn 30-4-1975 lịch sử ấy, gia đình ông mới được sum họp. Lần đầu tiên ông được gặp con gái và cháu ngoại của mình. Nước mắt dành cho ngày gặp mặt, ngày chiến thắng cứ tuôn trào trên khuôn mặt ông bà.
Nói về người vợ đã chịu rất nhiều hy sinh khi có chồng làm tình báo, ông Tư Cang chia sẻ: “Bà ấy đã chấp nhận cuộc sống một mình nuôi con, mòn mỏi ở vậy chờ tôi gần 30 năm. Nói thật lòng, sau giải phóng, tôi chỉ muốn về thật nhanh để ôm hôn vợ mình. Tôi vẫn nhớ chiều 30-4, tôi lái xe Jeep về tận Thị Nghè tìm vợ con, mà mãi đến đêm mới thấy!”...
Tôi đã đọc nhiều cuốn sách viết về ông. Khi trò chuyện qua điện thoại hay gặp gỡ trực tiếp, ông luôn trải lòng thẳng thắn, mộc mạc. Tôi rất xúc động với những tâm sự: “Giải phóng rồi, nhiều đêm tôi nằm ngủ mà thấy anh em đồng đội đã hy sinh hiện về. Khi tỉnh dậy, tôi thấy mình đẫm nước mắt. Thương đồng đội quá. Họ đã hy sinh để chúng tôi được sống đến ngày hôm nay”. Hay câu chuyện ông kể về người vợ tào khang cũng làm tôi ám ảnh: “Nhiều đêm nằm bên vợ mà ký ức chiến tranh vẫn ùa về. Có lần nửa đêm thấy vợ la lên, tôi mới bừng tỉnh ngó sang thấy vợ đang ôm mặt. Thì ra trong giấc ngủ, tôi tưởng mình đang ngồi ở công viên thời hoạt động trong thành bên cạnh anh Hai Trung (Phạm Xuân Ẩn), có thằng mật thám từ phía sau đưa tay siết cổ. Bằng phản xạ nghề nghiệp, tôi vung tay chém mạnh vào mặt nó. Ai dè, vợ tôi lãnh đủ cú đánh này!”.
TRẦN TRUNG HIẾU (Giáo viên Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu-Nghệ An)