Tôi sinh ra và lớn lên ở trại Đồng Rồng, thôn Bình Lục Thượng, xã Hồng Phong, huyện Đông Triều (nay là khu Bình Lục Thượng, phường Hồng Phong, thị xã Đông Triều), tỉnh Quảng Ninh. Ký ức tuổi thơ về cha-Trung tướng Nguyễn Kiệm, nguyên Chánh thanh tra Bộ Quốc phòng, nguyên Tư lệnh Quân đoàn 1 (nay là Quân đoàn 12)-là những lần ông về thăm nhà rất ngắn ngày rồi lại đi. Khi đó, tôi không biết cụ thể cha mình làm việc gì, chỉ biết ông là bộ đội, phải đi công tác xa.

Những ngày nghỉ phép như thế, ông thường dẫn tôi ra sông chơi và cùng ông đi thăm bà con họ hàng. Con sông Đạm Thủy quê tôi khi đó rất rộng, nước mênh mông. Tôi nhớ mãi hình ảnh cha bơi một mạch qua sông rồi hướng dẫn tôi tập bơi. Hai cha con chơi đùa trên sông hàng giờ liền. Cha không được về nhiều, nhưng mỗi lần về, ông đều làm việc nhà, dạy anh em chúng tôi biết bảo ban, trông nom nhau. Đặc biệt, ông còn dạy chúng tôi cách đào hầm tránh bom. Ông bảo ở chiến trường, đồng đội của ông ai cũng phải học cách đào hầm cá nhân để tránh máy bay và bom đạn địch. Từ sự hướng dẫn của cha, chúng tôi đã đào một hầm ở đầu nhà bên trái, một hầm ở sau nhà, gần các hướng chạy ra đường và lên đồi.

leftcenterrightdel
Vợ chồng đồng chí Nguyễn Kiệm và con trai lớn Nguyễn Chí Kiên, năm 1960. 

Thời gian cha tôi được về nhà lâu nhất là vào cuối năm 1968, khi Mỹ đang tăng cường chiến tranh leo thang phá hoại miền Bắc. Ông bị thương trong chiến dịch ở Lào và được nghỉ phép một tháng. Khi ấy, nhà tôi đã chuyển về xóm Lái, thôn Đoàn Xá, xã Hồng Phong (nay là khu Đoàn Xá 1, phường Hồng Phong). Có lần nghe tiếng bom nổ gần, mẹ con tôi lo lắng cuống cuồng, còn cha đã dạn dày kinh nghiệm chiến trường nên rất bình tĩnh. Ông lắng nghe, quan sát rồi trấn an rằng máy bay cách chỗ chúng tôi khoảng vài chục cây số và bay hướng khác. Sau đó quả đúng thế thật!

Tôi còn được các đồng đội của cha kể cho nghe nhiều kỷ niệm về ông, trong đó có việc bị thương ở Lào mà ông được về phép, thực ra là vì vết thương nặng cần thời gian hồi phục. Tháng 10-1968, địch huy động nhiều tốp máy bay T-28, F-4 đánh phá khu vực xung quanh sở chỉ huy Trung đoàn 209, Sư đoàn 312 (nay thuộc Quân đoàn 12) mà cha là Trung đoàn trưởng, đóng trong một hang núi đá sát bờ suối Nậm Xuyên. Chú Trần Văn Vũ, ở phường Thịnh Đán, TP Thái Nguyên tỉnh Thái Nguyên, hồi ấy là Chính trị viên Đại đội 10, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 209, kể: “Sáng hôm đó, Trung đoàn có cuộc họp bàn về triển khai phương án tác chiến do Trung đoàn trưởng chủ trì và bàn về bảo đảm kỹ thuật làm đường do Trung đoàn phó phụ trách. Lúc 10 giờ 30 phút, hai chiếc F-4 bất ngờ ném bom khu vực suối nơi có sở chỉ huy Trung đoàn. Trung đoàn trưởng Nguyễn Kiệm bị thương vào chân (mảnh bom bi vẫn còn ở hai đầu gối, không lấy ra được). Anh Văn, Trung đoàn phó và một số cán bộ dự họp hy sinh. Tôi cũng bị thương. Trước tổn thất lớn của đơn vị, bản thân Trung đoàn trưởng cũng bị thương nhưng tôi vẫn thấy đồng chí nén lại cảm xúc và đau đớn của riêng mình, bình tĩnh động viên, chỉ huy các lực lượng tích cực cứu thương và củng cố đơn vị rồi mới đi điều trị”.

leftcenterrightdel

 Trung tướng Nguyễn Kiệm (bên trái) và con trai Nguyễn Chí Kiên.

Năm 1972, cha về được thêm vài hôm rồi lại mải miết đi chiến đấu. Tại Mặt trận Quảng Trị, sau khi hoàn thành 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ, Bộ tư lệnh Sư đoàn 312 chỉ huy 3 trung đoàn trong biên chế chiến đấu phòng ngự ở Nam sông Thạch Hãn. Trên cương vị là Phó tham mưu trưởng Sư đoàn, cha tôi chỉ huy bộ đội phòng ngự khu vực từ Tích Tường, Như Lệ đến Đồi Đá, động Ông Do rộng khoảng 35km2. Đại tá Bùi Viết Từng, nguyên Phó hiệu trưởng Trường Quân sự Quân khu 1, trong chiến dịch tại Quảng Trị là Trợ lý Tham mưu của Tiểu đoàn 18 thông tin, Sư đoàn 312, kể với tôi: “Phó tham mưu trưởng Nguyễn Kiệm đã tham gia một số trận đánh quan trọng tại vị trí then chốt ở điểm cao T4 và 39 (khu vực động Ông Do). Ông chỉ huy Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 209, trực tiếp nắm quân của Đại đội 6 tấn công T4. Với lối đánh táo bạo, sáng tạo, mang lại hiệu suất chiến đấu cao, đơn vị đã tiêu diệt một trung đội lính dù ngụy. Tiếp đó, ông lại chỉ huy trận đánh ác liệt ở đồi Không Tên rồi đánh chiếm cao điểm 105, trong vòng 25 phút đã làm chủ trận địa”.

Mãi đến sau năm 1975, cha mới được về nhà. Hôm ấy, ông đi trên chiếc xe jeep quân đội. Xe đỗ trước cửa, thấy có nhà mới 3 gian, lo gia đình tôi lấy tiền trợ cấp của Nhà nước, ông liền hỏi mẹ lấy tiền đâu mà xây được nhà như thế. Mẹ tôi cười, nói: “Có lấy tiền Nhà nước đâu mà ông lo. Cát, đá là do các con tự đi chở về. Nhà chỉ phải mua gạch, vôi”. Lúc đó, cha mới yên tâm.

Tháng 9-1978, tôi nhập ngũ khi đang học Trường Đại học Hàng hải ở Hải Phòng. Sau đó, năm 1979, tôi đi học Trường Sĩ quan Thông tin. Cha cũng bận nhiều công việc của đơn vị nên một tháng sau ngày tôi nhập học, ông mới thu xếp đến thăm, động viên tôi. Ông dặn: “Vào bộ đội, dù vất vả đến đâu con cũng phải cố gắng rèn luyện, phấn đấu tốt”. Mặc dù cha con tôi không được gặp nhau nhiều nhưng có khi trực tiếp hay gián tiếp qua những người bạn, ông đều chuyển lời động viên tôi cố gắng phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ của người lính. Ông từng nói với tôi: “Như cha ngày xưa có được học cao đâu, vừa đánh trận vừa học. Mỗi lần kinh qua thực tế chiến đấu là một lần học. Từ chiến trường ra, cha mới quay vào trường học tiếp đấy chứ!”.

Cho đến năm 1983, tôi tốt nghiệp, ra trường, được cử về Binh chủng Thông tin liên lạc công tác. Ông không nói gì nhiều mà thường căn dặn: “Con phải làm việc cẩn thận, đừng ham tiền bạc mà làm mất danh dự, uy tín”. Sau đó, Binh chủng điều tôi vào miền Nam công tác. Năm 1995, tôi được Quân đội phân đất ở theo chế độ. Một người đã đề nghị tôi đổi lấy mảnh đất có vị trí tốt hơn, giá trị cao gấp 4 lần (ước tính thời điểm đó thì giá trị chênh lệch khoảng 7 cây vàng). Bản thân tôi cũng không định làm thế, nhưng vẫn xin ý kiến của cha thì nhận được câu trả lời: “Không được đổi, Nhà nước đã chia thế nào thì cứ thế mà dùng”. Cha tôi là người liêm khiết và chính trực như thế! Khi xây nhà, tôi phải vay tiền bạn bè, anh em thân quen. Thấy vậy, ông liền bảo: “Cứ làm nhà theo sức của mình thôi, đừng làm gì sai trái...”. Những lời căn dặn ấy, tôi luôn khắc ghi trong lòng.

leftcenterrightdel
Vợ chồng Trung tướng Nguyễn Kiệm. Ảnh do gia đình cung cấp 

Khi ở cùng cha, tôi chứng kiến có những cựu chiến binh thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp gặp khó khăn trong làm các thủ tục, giấy tờ xác minh đến nhờ ông giúp đỡ. Ông đã xác nhận, có khi còn trực tiếp cùng đi làm việc với cơ quan chức năng để bổ sung giấy tờ cần thiết giúp đồng đội được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định. Tôi cũng từng gặp cựu chiến binh là đồng đội của cha trong những năm chiến đấu, từ rất xa đạp xe đến chơi với ông. Còn ông, cứ chủ nhật hay những khi có thời gian là lại đến thăm các đồng đội. Họ gần gũi, quý mến nhau như thuở chung chiến hào, chẳng quản ngại đường xa hay phân biệt cấp hàm, gần gũi và bình dị đến thế. Cha coi anh em chiến sĩ như người thân của mình. Mỗi lần vào miền Nam, cha lại đến thăm các đồng đội cũ đang sinh sống trong đó như Trung tướng Lê Nam Phong, bác Quốc Chi hay chú Trịnh Duy Sơn... Chú Sơn nguyên là phóng viên Báo Cựu chiến binh TP Hồ Chí Minh, hồi còn trong quân ngũ chú chỉ là chiến sĩ công vụ của cha tôi, nhưng khi vào TP Hồ Chí Minh, thu xếp được thời gian, cha tôi tự đi bộ từ trạm khách của Bộ Quốc phòng đến tận nhà thăm gia đình chú. Trong cư xử với họ hàng, làng xóm, cha là người rất nhã nhặn. Tôi chưa từng thấy ông to tiếng, xích mích với ai. Mọi người đều rất yêu quý ông. Cha tôi nhiều lần nhắc nhở, luôn mong muốn anh chị em trong gia đình phải đoàn kết, hòa hợp. 

Sau một thời gian lâm bệnh, cha tôi qua đời ngày 20-7-2010. Đồng chí, đồng đội của ông từ khắp các vùng miền Tổ quốc đã về Hà Nội, cùng gia đình tiễn đưa ông đoạn đường cuối cùng. Trong đó có Trung tướng Lê Nam Phong từ miền Nam ra. Hôm ấy, chia buồn với gia đình chúng tôi, bác vừa nói vừa rơm rớm nước mắt: “Bố cháu mất, bác phải ra viếng chứ, vì tình nghĩa với bố cháu. Bác rất tôn trọng và yêu quý bố cháu”. Chỉ vài lời đơn giản vậy thôi nhưng cũng đủ để chúng tôi thêm trân quý tình cảm và tấm lòng mà bạn bè, đồng đội dành cho cha. Từ đó, chúng tôi càng thêm cảm phục, tự hào về ông, người từng sống và làm việc như thế nào mới có thể nhận được sự yêu mến đến vậy. Cha luôn là tấm gương sáng để con cháu noi theo. 

Đại tá NGUYỄN CHÍ KIÊN (Nguyên Phó tư lệnh Binh chủng Thông tin liên lạc)