Ông tên thật là Nguyễn Thế Xương, sinh năm 1930, trưởng thành từ những ngày đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, là “chiến sĩ Quyết tử” trực tiếp tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ Thủ đô Hà Nội (tháng 12-1946), sau này là nhiều chiến dịch lớn trong đội hình Đại đoàn 308 như: Biên giới (1950); Điện Biên Phủ (1953-1954)... 17 tuổi, ông bắt đầu viết những truyện ngắn đầu tay về bộ đội, đến năm 1949 phụ trách tờ báo Quân Tiên Phong.

Là một trong những người tham gia thành lập Tạp chí Văn nghệ Quân đội (1957), từng giữ chức Phó tổng biên tập, ông cũng là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam (1957). Năm 1990, ông được phong quân hàm Thiếu tướng; được trao tặng Giải thưởng Nhà nước (2001) và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học-nghệ thuật (2012).

Hồ Phương tiêu biểu cho thế hệ nhà văn-chiến sĩ đi qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, vừa cầm bút vừa cầm súng, sớm hình thành phong cách giàu có chất sống và đậm đà tinh thần nhân văn. Với truyện ngắn đầu tay gây được tiếng vang có tên “Lưỡi mác xung kích” (1948); Hồ Phương được đánh giá là nhà văn trẻ tài năng. Tiếp theo là “Thư nhà” (truyện, 1948); “Những tiếng súng đầu tiên” (tiểu thuyết, 1955); “Vài mẩu chuyện về Điện Biên Phủ” (truyện, 1956); “Lá cờ chuẩn đỏ thắm” (truyện, 1957); “Cỏ non” (1959). Trong đó, “Thư nhà” và “Cỏ non” đã sớm ghi dấu ấn vào lịch sử văn xuôi hiện đại trước năm 1960. Sau đó, với các tác phẩm: “Xóm mới” (truyện ngắn, 1963); “Nhằm thẳng quân thù mà bắn” (truyện ngắn, 1965); “Chúng tôi ở Cồn Cỏ” (ký sự, 1966); “Kan Lịch” (tiểu thuyết, 1967); “Khi có một mặt trời” (truyện ký, 1972); “Những tầm cao” (tiểu thuyết hai tập, 1975)... ông đã phản ánh trung thực cuộc sống anh hùng của nhân dân ta thời kỳ chống Mỹ, cứu nước.

Sau năm 1975 vẫn phong cách ấy, Hồ Phương tiếp tục khai thác đề tài chiến tranh cách mạng và xây dựng chủ nghĩa xã hội với các tiểu thuyết: “Biển gọi” (1980); “Bình minh” (1981); “Mặt trời ấm sáng” (1985); “Cánh đồng phía Tây” (1994); “Yêu tinh” (2001); “Ngàn dâu” (2002); “Những cánh rừng lá đỏ” (2005). Riêng tiểu thuyết “Cha và con” (2007) rẽ sang mạch khác, dựng lại chân dung cụ Nguyễn Sinh Sắc và thời trai trẻ của Bác Hồ.

Một trong những sự kiện nổi bật thúc đẩy ngòi bút Hồ Phương đi về phía chân trời của cái chân, cái thiện là được Bác Hồ đọc tác phẩm và trực tiếp được gặp Bác. Ngay sau Cách mạng Tháng Tám, về thăm Trường Phan Chu Trinh, Bác có đọc bài văn của Xương và tặng cậu học trò này một cuốn sổ. Đầu năm 1946, khi đang là phóng viên Báo Cứu quốc, Hồ Phương may mắn lại được gặp Bác. Năm 1950, trong một lần về nói chuyện với Đại đoàn 308, với trí nhớ tuyệt vời, Bác nhận ra chàng phóng viên và khuyến khích “cố gắng chiến đấu nhé!”. Lại có lần Bác đùa vui khi Hồ Phương vẽ Bác giống cụ... Hồ Tùng Mậu. Năm 1968, khi đang ở Trung Quốc, Bác đọc ký sự “Chúng tôi ở Cồn Cỏ” và nhận xét đó “là một cuốn sách hay”...

Ở mảng văn xuôi, Hồ Phương đã để lại dấu ấn riêng, có đóng góp xứng đáng vào nền văn học cách mạng yêu nước. Hôm nay nhìn lại càng thấy rõ hơn truyện ngắn “Thư nhà” phải được coi là một thành tựu của văn xuôi chống Pháp ở chỗ đã đưa ra một cái nhìn nghệ thuật mới: Tố cáo tội ác vô luân, tàn bạo của quân xâm lược không bằng chất liệu của chiến tranh (súng đạn, khói lửa, chết chóc...) mà thông qua số phận một người phụ nữ bị giặc hãm hiếp, nhưng lại bị chồng ruồng bỏ. Mạch ngầm của truyện là cuộc đấu tranh giữa cái nhân văn mới mẻ và cái thủ cựu phong kiến đã thức tỉnh bao con người lạc hậu, bảo thủ đang còn là tù binh của quan niệm chữ “trinh” lỗi thời. Không chỉ là tiếng kêu thức tỉnh, sâu xa hơn là tình thương, sự che chắn, bảo vệ người phụ nữ đã chịu quá nhiều bất hạnh.

Truyện ngắn “Cỏ non” từng đoạt giải ba Báo Văn nghệ năm 1959-1960 và được đưa vào giảng dạy trong nhà trường nhiều năm. Truyện tả nhân vật Nhẫn chăn bò, một công việc rất bình thường nhưng nhờ có tình yêu lao động mà trở nên rất mực thi vị. Chất hiện thực của truyện đằm sâu đến mức nhiều người tưởng anh hùng Hồ Giáo là nguyên mẫu của nhân vật Nhẫn. Chính nhà văn kể, nguyên mẫu là một người lính chống Pháp phục viên ở Hòa Bình. Mến yêu, kính phục một người lính vừa buông súng là về chăn bò cho nông trường, không so đo, tính toán, không đòi hỏi gì cho riêng mình, nhà văn đã sáng tác được một truyện ngắn xuất sắc.

Một chi tiết bị nhiều người “kết án” là nhà văn đã “vật hóa” con người: “Nom những cái mõm gặm cỏ sao mà ngon thế! Ngon đến nỗi phải ứa nước miếng. Nhẫn cũng muốn cúi xuống gặm một đám cỏ lưỡi gà, đuôi rắn kia mà nhai ngấu nghiến”. Tức đã biến Nhẫn thành con bò vì chỉ có bò mới ăn cỏ. Thế thì oan cho nhà văn quá! Xét về nghĩa thực, ai từng là trẻ chăn trâu ở nhà quê ngày trước thì ít nhiều đã ăn loài cỏ lưỡi gà này. Nó rất ngọt. Về nghĩa biểu cảm thì một người tha thiết với “nghề chăn bò” như thế, thấy cỏ non như vậy mà “ứa nước miếng” là hợp lý. Là trẻ chăn trâu, yêu trâu, được đưa trâu đến thảm cỏ như vậy, sẽ có rất nhiều đứa trẻ cùng tâm trạng với Nhẫn. Nói thế để thấy Hồ Phương không chỉ giàu có về vốn sống mà còn khá tinh tế trong miêu tả tâm lý con người.

leftcenterrightdel
 Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương. Ảnh: NGUYÊN PHONG

Hầu hết sáng tác của Hồ Phương là viết về cái anh hùng, cái tốt đẹp thật đáng ca ngợi nên có ý kiến “phê” nhà văn viết một chiều, đơn giản. Không phải thế! Đó mới là cái nhìn bề ngoài, nếu đi sâu vào các tầng nghĩa tác phẩm sẽ thấy khác. Như qua “Thư nhà” và “Cỏ non” vừa giới thiệu ở trên, sẽ thấy tác phẩm của Hồ Phương, ngoài sự phong phú, dồi dào chất đời thực còn sâu sắc một quan niệm sống phải hướng về phía cái thiện, cái tốt, cái đẹp. Đúng vậy, nhà văn còn kiến tạo những hình tượng mới mẻ vừa thật trong đời sống, vừa mới về triết lý nhân sinh qua các nhân vật: Cụ Nguyễn Sinh Sắc, Kan Lịch, chiến sĩ Cồn Cỏ...

Đóng góp của Hồ Phương ở thể loại tiểu thuyết nổi bật ở 3 tác phẩm: “Cánh đồng phía Tây”, “Những cánh rừng lá đỏ”, “Cha và con”. “Cánh đồng phía Tây” tái hiện một sự kiện lịch sử lớn thời chống Pháp là Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Nhờ có độ lùi thời gian 40 năm và vốn sống cùng sự suy ngẫm về lịch sử, về lối viết, tiểu thuyết này cung cấp những tư liệu mới, qua đó giúp bạn đọc hiểu thêm và cắt nghĩa vì sao chúng ta chiến thắng một thực dân đầu sỏ. Xuyên suốt tiểu thuyết là câu chuyện tình mang tính bi kịch của Nguyệt Lệ, Hồng Đăng, Dũng Linh như một lý giải tình yêu của mỗi công dân gắn liền với tình yêu đất nước. Đất nước tự do, giải phóng thì tình yêu cũng không chịu kiếp tù đày...

Với bút pháp hiện thực, “Những cánh rừng lá đỏ” miêu tả Chiến dịch Biên giới (1950) một cách như vốn có. Không chỉ là tái hiện, xử lý chi tiết hợp lý, nhuần nhuyễn, tiểu thuyết vươn tới cảm hứng sử thi hùng tráng rất đáng tự hào. Câu chuyện tình nồng nàn giữa Phấn (cô gái dân công vùng sơn cước) và Tuấn (một chỉ huy Quân đội) như một minh chứng đẹp cho tình đoàn kết quân dân. Đó là nguồn cội của chiến thắng. “Cha và con” dành phần lớn số trang miêu tả, khắc họa hình ảnh cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc đáng kính, người cha của Chủ tịch Hồ Chí Minh, như một sự cắt nghĩa để có những anh hùng phải có những bậc cha mẹ anh hùng.

Ảnh hưởng của nếp nhà là rất quan trọng, góp phần vào sự trưởng thành của một nhân cách. Những điều ấy không mới nhưng thiết thực với hôm nay, khi mà văn hóa gia đình đang có nguy cơ xuống cấp, mai một. Bút pháp không gian theo bước nhân vật cứ mở ra giàu chất điện ảnh, từ làng Sen, làng Chùa, kinh đô Huế, Phan Thiết, Sài Gòn... Đây là một tiểu thuyết có cái nhìn mới về tiểu sử, cuộc đời của cụ Nguyễn Sinh Sắc và chân dung thời nhỏ đầy cá tính của Bác Hồ. Tiểu thuyết có lời giới thiệu trang trọng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp!

NGUYÊN THANH