Hôm ấy, Đại tướng cùng phu nhân đến xem. Tôi và anh Năm diễn xong phần được giao, giữ nguyên trang phục dân công tiếp vận, đi thẳng vào khu vực dành cho Đại tướng và phu nhân, mục đích là được ngắm Đại tướng thật nhiều. Ngay lập tức, anh bảo vệ và ông Đinh Văn Mùi ngăn lại, yêu cầu chúng tôi quay ra. Nhưng Đại tướng lại tươi cười nói: “Cứ để hai đồng chí “dân công” ngồi đây! Anh em Điện Biên ta cả mà!”. Tôi bỗng nóng ran người, nghĩ cần phải nói cảm ơn thủ trưởng mà không sao thốt nên lời! Còn ông Mùi thì nhìn tôi, chia sẻ niềm vui. Thế mà gần đây tôi mới gặp lại ông Mùi và biết thêm nhiều điều về ông, người vinh dự có nhiều năm phục vụ Đại tướng.

Thượng tá, cựu chiến binh Đinh Văn Mùi sinh năm 1956, tại xã Hán Đà, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái; hiện ở phường Thạch Bàn (Long Biên, Hà Nội). Học xong phổ thông, tháng 2-1975, ông nhập ngũ vào Trung đoàn 246, được đi học lái xe tại trường của Quân khu Việt Bắc (nay là Quân khu 1). Sau thời gian công tác ở một số đơn vị, bất ngờ một ngày ông được nhận nhiệm vụ khá đặc biệt: Vào bộ phận tiền phương của C59 gần sân bay Tân Sơn Nhất, trực lái xe cho chỉ huy Cục Tác chiến. Ông còn được ưu tiên mặc thường phục khi lái xe đưa đón cán bộ đi công tác... “Rồi tôi được cấp trên giao một nhiệm vụ rất ngắn gọn: “Đi với anh Văn”. Tôi sẵn sàng lên đường bất cứ lúc nào Đại tướng gọi. Mỗi khi tôi lái xe đến đón, Đại tướng nói rất thân tình: “Ta đi nhé”. Cho đến ngày 17-5-1981, tôi nhận quyết định chính thức được làm lái xe phục vụ Đại tướng. Cũng từ đó, tôi ở hẳn nhà 30 Hoàng Diệu, cùng sinh hoạt Đảng tại Chi bộ Khối Văn phòng (còn gọi là Chi bộ Nhà 30, Chi bộ C30) với Đại tướng; cùng bộ phận trực tiếp phục vụ Đại tướng ăn tại bếp chung, anh em tự nấu... cho đến ngày 14-10-2013, khi Đại tướng đã an nghỉ tại Vũng Chùa”-ông Mùi hồi tưởng.

leftcenterrightdel
 Đại tướng Võ Nguyên Giáp tặng thiệp chúc mừng năm mới ông Đinh Văn Mùi. Ảnh do nhân vật cung cấp     

Hơn 30 năm đó, ông Mùi luôn coi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là người thầy lớn và bản thân ông đã học được rất nhiều điều từ Đại tướng. Để chứng minh, ông Mùi kể một số câu chuyện cảm động: “Nhận quyết định lái xe cho Đại tướng, tôi đến báo cáo ngay. Đại tướng thân mật dặn: “Cứ gọi vợ chồng mình là anh-chị, xưng em nhé”. Hằng năm, cứ vào ngày 27 hoặc 28 tháng Chạp âm lịch, Đại tướng cho tổ chức gặp mặt Khối Văn phòng. Vào dịp đó, ông tặng mỗi cán bộ, chiến sĩ một thiếp chúc Tết đẹp, trang nhã.

Tôi nhớ khoảng tháng 5-1995, Bộ tư lệnh Quân khu 5 mời Đại tướng và phu nhân vào nghỉ dưỡng ở nhà khách T20 (Đà Nẵng). Dịp này, địa phương cũng tổ chức chương trình với các trích đoạn tuồng văn đặc sắc xứ Quảng do 12 nghệ sĩ biểu diễn, kính mời Đại tướng cùng phu nhân xem. Anh chị em phục vụ và nhân viên nhà khách quây quần bên Đại tướng và phu nhân thưởng thức các tiết mục. Kết thúc, Đại tướng tươi cười bắt tay nhiều lần cảm ơn các nghệ sĩ. Bỗng ông lẳng lặng vào phòng, rồi lại đi ra đi vào trầm ngâm... Ông Hoàng Hương Việt, Phó giám đốc Sở Văn hóa-Thông tin tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, đơn vị tổ chức chương trình, rất lo lắng, liền thưa với phu nhân Đặng Bích Hà: “Thưa cô! Các cháu có lỗi gì không mà Đại tướng đi ra đi vô vậy ạ?”. Phu nhân cười: “Có gì đâu! Ông ấy tiếc là không có bó hoa tươi để tặng các nghệ sĩ đấy thôi!”. Đến giờ, cứ nghĩ tới hình ảnh của Đại tướng lúc ấy, tôi vẫn không kìm nổi xúc động”.

Hay sự kiện sáng 12-2-1999 (tức 27 tháng Chạp năm Mậu Dần), Đại tướng về thăm thôn Đức Hòa (nay là tổ 20, phường Thượng Thanh, quận Long Biên, TP Hà Nội). Sau khi hoan nghênh thành tích và chúc cán bộ, nhân dân thôn Đức Hòa đón Tết Kỷ Mão đoàn kết tốt, noi gương Bác Hồ, phát huy truyền thống, lập nhiều thành tích mới..., Đại tướng đến thăm gia đình cụ Hoàng Thị Nhụ, mẹ của liệt sĩ Hoàng Ngọc Anh (hy sinh năm 1971 tại Mặt trận phía Nam). Hôm đó, Đại tướng bế cháu bé là chắt ngoại của cụ Nhụ (nay cháu đã tốt nghiệp Trường Đại học Y Hà Nội) chụp ảnh cùng mọi người. Đại tướng nhắc những người chụp ảnh nhớ phải gửi ảnh cho gia đình. Hiện nay, gia đình ông Huy, bà Út (con cụ Nhụ) còn lưu giữ nhiều hình ảnh khi Đại tướng đến thăm. Dù đã có nơi ở mới khang trang nhưng căn nhà cấp 4 xưa từng đón Đại tướng và bức ảnh Đại tướng chụp cùng, gia đình vẫn giữ gìn nguyên vẹn.

“Vinh dự cho gia đình tôi là vào một ngày hè năm 1995 được đón Đại tướng sang thăm nhà. Đại tướng không câu nệ, ngồi ở bậc thềm nhà cùng với bố tôi là Đinh Văn Ngọc, kém Đại tướng 2 tuổi, cử chỉ như đôi bạn già thân thiết khiến bố tôi cũng tự nhiên và tự tin. Đến giờ hình ảnh ấy vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức của tôi”, ông Mùi thổ lộ.

PHẠM XƯỞNG